BẢI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 93 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930-03/02/2023)


 

BÀI TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930 - 03/02/2023)

-----

1. Bối cảnh lịch sử ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam

1.1. Bối cảnh quốc tế

Từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa đế quốc. Sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc làm đời sống nhân dân lao động trên thế giới trở nên cùng cực. Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng gay gắt. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước thuộc địa.

Năm 1917, với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác -Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người; là ánh sáng soi đường cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

1.2. Bối cảnh trong nước

- Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và từng bước thiết lập bộ máy thống trị, biến nước ta từ một quốc gia phong kiến thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”. Chính sách thống trị của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi.

- Sự phân hóa giai cấp và mâu thuẫn xã hội diễn ra ngày càng gay gắt

- Các cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh của quần chúng chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra mạnh mẽ nhưng đều bị thất bại, xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng về đường lối cách mạng

2. Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

- Đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, ngày 17/6/1929, Kỳ Bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 11/1929, các đồng chí Tổng bộ và Kỳ Bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ngày 1/1/1930, những đại biểu ưu tú của Tân Việt cách mạng Đảng (một tổ chức tiền thân của Đảng) đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn. Tuy nhiên ở một nước có tới ba tổ chức cộng sản nên không tránh khỏi sự phân tán về lực lượng và tổ chức, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động.

- Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

3. Ý nghĩa lịch sử sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam và Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã mở ra thời kì mới cho cách mạng Việt Nam - thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

- Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng. 

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và việc Đảng chủ trương cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới, đã tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại làm nên những thắng lợi vẻ vang; đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ của nhân loại trên thế giới.

4. Lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của đảng bộ và nhân dân huyện Gia Viễn.

Từ đầu tháng 8/1945, tình hình thế giới và trong nước chuyển biến mau lẹ. Nắm vững thời cơ, Trung ương Đảng phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng (họp tại Tân Trào, Tuyên Quang) quyết định phát động Tổng khởi nghĩa.

Ngày 17/8/1945, đồng chí Trần Tử Bình đem lệnh Tổng khởi nghĩa về đến căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu. Ngay sau đó, hội nghị Tỉnh ủy họp, đề ra kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh. Sau khi phân tích đánh giá tình hình cụ thể phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, Tỉnh ủy quyết định chọn Gia Viễn làm điểm khởi nghĩa mở màn trong tỉnh và chỉ đạo quyết tâm giành được thắng lợi ngay trong trận đầu.

Hội nghị Tỉnh ủy quyết định chọn ngày 19/8/1945 (ngày 12/7 âm lịch, ngày phiên chợ Me) khởi nghĩa giành chính quyền huyện Gia Viễn.

Sáng 19/8/1945, lực lượng vũ trang giải phóng khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, tự vệ cứu quốc và quần chúng cách mạng các thôn xã Lỗi Sơn, Ngọc Động, Sinh Dược, Lạc Khoái, Ngô Đồng, Tri Hồi, Điềm Giang, Bích Sơn kéo lên huyện lỵ. Việt Minh phát loa kêu gọi nhân dân nỗi dậy tham gia khởi nghĩa xóa bỏ chính quyền tay sai của Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. Binh lính đầu hàng. Ngay sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, lực lượng cách mạng tổ chức mít tinh. Đại diện Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ chính quyền để quốc phong kiến huyện Gia Viễn, thành lập chính quyền cách mạng (lâm thời). Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện Gia Viễn hoàn toàn thắng lợi.

Sáng 20/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng tỉnh, Việt Minh, các chi bộ Đảng, cơ sở cách mạng ở Gia Viễn vận động tập hợp hàng nghìn người thuộc các làng xã Lỗi Sơn, Ngọc Thượng, Lê Xá, Sinh Dược, Lạc Khoái, Điềm, Tri Hối v.v., mang theo cờ băng biểu ngữ và lực lượng tự vệ được trang bị súng trường, giáo mác, côn, kiếm hòa cùng lực lượng cách mạng huyện Gia Khánh tập trung tại động Thiên Tôn (xã Ninh Mỹ, huyện Gia Khánh) tiến về tỉnh ly Ninh Bình giành chính quyền tỉnh. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh thắng lợi.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa tháng 8/1945 là thắng lợi to lớn, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của các tổ chức cơ sở Đảng, các chỉ bộ Đảng ở Gia Viễn. Cách mạng thành công, chính quyền dân chủ nhân dân được thiết lập, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, từng bước đẩy lùi nạn đói, củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, phong trào cách mạng ở Gia Viễn tiếp tục phát triển mạnh mẽ đều khắp. Giữa năm 1946, do yêu cầu của cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Ninh Bình, huyện Gia Viễn thành lập chi bộ cơ quan huyện gồm những đồng chí đảng viên đang công tác tại cơ quan huyện và một số đảng viên mới được kết nạp. Từ đây chi bộ cơ quan huyện đóng vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối phong trào cách mạng huyện Gia Viễn.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, căn cứ yêu cầu thực tiễn phong trào cách mạng ở Gia Viễn, đầu năm 1947, Tỉnh ủy Ninh Bình quyết định thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ (lâm thời) huyện Gia Viễn gồm 7 ủy viên, đồng chí Bùi Như Lân làm bí thư. Việc thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thể hiện sự lớn mạnh không ngừng của tổ chức Đảng ở Gia Viễn. Từ đây, dưới sự lãnh đạo thống nhất, toàn điện của Đảng bộ huyện nhân dân Gia Viễn tiếp tục hăng hái tham gia đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng hy sinh bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.

Phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất và đổi mới, năm 2022 huyện Gia Viễn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 07 chỉ tiêu vượt kế hoạch; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Tỉnh và Huyện ban hành đã kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện đoàn kết, tin tưởng, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, Ban Thường vụ Huyện uỷ. Những kết quả đạt được tạo tiền đề cho sự phát triển của huyện trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII.

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng tự hào vì đất nước có một Đảng Cộng sản kiên cường, trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lãnh đạo Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình và thịnh vượng./.

Nguyễn Thị Thúy
  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập