Bài tuyên truyền kỷ niệm 77 năm cách mạng tháng 8 (19/8/1945-19/8/2022) và Quốc khánh 2/9/2022
Đầu năm 1945, quân đội Xô Viết liên tiếp
giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, buộc phát xít Đức phải
đầu hàng vô điều kiện.
Trước tình hình đó, tháng 02 năm 1945, Ban
Thường vụ Trung ương họp và ra Nghị quyết nêu rõ: "Kẻ thù số một của các
dân tộc Đông Dương lúc này không phải là tất cả chủ nghĩa đế quốc mà chỉ là đế
quốc phát xít, đặc biệt là phát xít Nhật - Pháp";. Tháng 3 năm 1945,
Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng và ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau
và hành động của chúng ta"... Từ tháng 4 năm 1945 trở đi, cao trào kháng
Nhật, cứu nước diễn ra mạnh mẽ; phong trào đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng
phần đã diễn ra ở nhiều vùng; các lực lượng cách mạng đã phối hợp với nhân dân
giải phóng được một loạt các xã, huyện thuộc các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng
Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Bắc Giang.
Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945,
Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào đã đi đến kết luận: "Những
điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín mùi", tất cả vì mục tiêu "Việt
Nam hoàn toàn độc lập".
Đến 23 giờ, ngày 13 tháng 8 năm 1945, Ủy
ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1: Hiệu triệu toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành
chính quyền. Tiếp đó, ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân tại Tân Trào
đã thông qua mười chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa,
quyết định Quốc kỳ nền đỏ sao vàng, Quốc ca và bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc
Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã ra lời kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến.
Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!".
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả
nước đồng loạt đứng dậy, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền khắp cả nước.
Cuộc Tổng khởi nghĩa bắt đầu nổ ra từ ngày 14 tháng 8 và đến ngày 18 tháng 8
năm 1945, chúng ta đã giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, đại bộ
phận các tỉnh miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã Bắc Giang, Hải
Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam. Ngày 19 tháng 8, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà
Nội; ngày 23 tháng 8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và các tỉnh, thị xã: Bắc Kạn,
Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Lâm Viên, Gia
Lai, Tân An, Bạc Liêu; ngày 25 tháng 8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn, Chợ
Lớn, Gia Định, Lạng Sơn, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Thủ Dầu Một, Châu Đốc,
Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre… Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8 năm
1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn; lần đầu tiên trong
lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về nhân dân.
Ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường
Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh khổng lồ của gần một triệu đồng bào, Chủ
tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên
bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
- Cách mạng Tháng Tám thành công do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân
quan trọng, có ý nghĩa quyết định, đó là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khôn
khéo của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện
lịch sử cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo có
phương pháp; chiến lược, chiến thuật cách mạng thích hợp và linh hoạt. Tổng
khởi nghĩa Tháng Tám là đỉnh cao của 15 năm đấu tranh của toàn dân dưới sự lãnh
đạo của Đảng, trải qua ba cao trào cách mạng lớn: Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh
(1930 - 1931), cao trào dân chủ (1936 - 1939), cao trào cứu nước trong chiến
tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự
vận dụng thời cơ cách mạng chín muồi, lực lượng cách mạng đã được chuẩn bị chu
đáo cộng với sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Dân tộc
Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã
hội; có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng.
Thứ nhất, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân ta
đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ, lật
nhào chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, nhân dân Việt Nam từ thân
phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.
Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do
và dân chủ; Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một
Đảng cầm quyền.
Thứ hai, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa
Mác - Lênin được vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử
cụ thể của cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường
lối cách mạng đúng đắn và đầy sáng tạo của Đảng ta đã gắn độc lập dân tộc với
chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Cách mạng
Tháng Tám đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Thứ ba, với thắng lợi này, cách mạng nước ta đã chuyển sang một bước
ngoặt mới, nước ta không những trở thành một nước độc lập, tự do mà còn trở
thành một trong những nước đi tiên phong trong việc xây dựng chế độ xã hội mới
- chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hoài bão, ước mơ
của biết bao thế hệ người Việt Nam xưa và nay.
Thứ tư, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám còn khẳng định rằng, trong
điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai
cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát
triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở
ngay một nước phong kiến và nửa thuộc địa lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên
theo con đường của chủ nghĩa xã hội. Đây là sự phát triển rất sáng tạo lý luận
của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta; Cách mạng Tháng Tám
như một quả bom có sức công phá mạnh làm sụp đổ một mảng quan trọng thành trì
của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức bóc lột vùng
dậy, báo hiệu một kỷ nguyên mới của loài người: Kỷ nguyên độc lập tự do và chủ
nghĩa xã hội.
Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và
Quốc khánh 2/9, chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà
Cách mạng tháng Tám đã mang lại nhận thức đầy đủ trách nhiệm của các thế hệ hôm
nay và mai sau trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý
giá, những tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng tháng Tám vào công cuộc đổi
mới đất nước, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.