Luật số 09/2012/QH13
của Quốc hội : LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ
QUỐC HỘI
______
Luật số: 09/2012/QH13
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_________________________
|
LUẬT
PHÒNG,
CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị
quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật phòng, chống
tác hại của thuốc lá.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về các biện pháp
giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và
điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây
được hiểu như sau:
1. Thuốc lá là sản
phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến
dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.
2. Sử dụng thuốc lá là
hành vi hút, nhai, ngửi, hít, ngậm sản phẩm thuốc lá.
3. Nguyên liệu thuốc lá là
lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá
và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá.
4. Tác hại của thuốc lá là
ảnh hưởng có hại của việc sản xuất, sử dụng thuốc lá gây ra cho sức khỏe con
người, môi trường và sự phát triển kinh tế - xã hội.
5. Cảnh báo sức khoẻ là
thông tin bằng chữ và hình ảnh mô tả hoặc giải thích về ảnh hưởng có hại tới
sức khỏe con người do việc sử dụng thuốc lá.
6. Kinh doanh thuốc lá là
việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình từ
sản xuất, nhập khẩu đến tiêu thụ thuốc lá trên thị trường nhằm mục đích sinh
lợi.
7. Địa điểm công cộng là
nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người.
8. Nơi làm việc là
nơi được sử dụng cho mục đích lao động.
9. Trong nhà là nơi
có mái che và có một hay nhiều bức tường chắn hoặc vách ngăn xung quanh.
Điều 3. Nguyên tắc phòng, chống tác
hại của thuốc lá
1. Tập trung thực hiện các biện pháp
giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm
nguồn cung cấp thuốc lá.
2. Chú trọng biện pháp thông tin,
giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhằm giảm
dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra.
3. Thực hiện việc phối hợp liên
ngành, huy động xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc
lá.
4. Bảo đảm quyền của mọi người được
sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ
về tác hại của thuốc lá.
Điều 4. Chính sách của Nhà nước về
phòng, chống tác hại của thuốc lá
1. Xã hội hóa các nguồn lực để thực
hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
2. Áp dụng chính sách thuế phù hợp
để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
3. Quy hoạch kinh doanh thuốc lá
phải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và từng bước giảm nguồn
cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá.
4. Khuyến khích, tạo điều kiện cho
cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ tư
vấn, cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu về tác hại của thuốc lá, các phương pháp
cai nghiện thuốc lá; nghiên cứu và sản xuất thuốc cai nghiện thuốc lá; hợp tác,
tài trợ cho phòng, chống tác hại của thuốc lá; người sử dụng thuốc lá tự nguyện
cai nghiện thuốc lá.
5. Khuyến khích, tạo điều kiện cho
các tổ chức, cá nhân trồng cây thuốc lá, sản xuất thuốc lá, chế biến nguyên
liệu thuốc lá chuyển đổi ngành, nghề.
6. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước
về phòng, chống tác hại của thuốc lá
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà
nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước
Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá và có
các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chiến
lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống tác hại của thuốc lá, quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về thuốc lá;
b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn
bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống tác
hại của thuốc lá;
c) Tổ chức thông tin, giáo dục,
truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá;
d) Tổ chức bồi dưỡng và tăng cường
nhân lực tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá;
đ) Tổ chức nghiên cứu, tư vấn, phòng
ngừa, chẩn đoán, điều trị nghiện thuốc lá;
e) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống tác hại
của thuốc lá theo thẩm quyền;
g) Hằng năm, tổng hợp, báo cáo Chính
phủ về kết quả phòng, chống tác hại của thuốc lá;
h) Hợp tác quốc tế về phòng, chống
tác hại của thuốc lá.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ khác
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động thực hiện
nhiệm vụ về phòng, chống tác hại của thuốc lá; phối hợp với Bộ Y tế thực hiện
quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
4. Ủy ban nhân dân các cấp trong
phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống
tác hại của thuốc lá; chủ trì tổ chức, chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện
các quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá tại địa phương.
Điều 6. Trách nhiệm của người đứng
đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của
thuốc lá
1. Đưa nội dung phòng, chống tác hại
của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại
nơi làm việc vào quy chế nội bộ.
2. Đưa quy định về việc hạn chế hoặc
không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào
hương ước.
3. Gương mẫu thực hiện và
vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật
về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của
công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá
1. Được sống, làm việc trong môi
trường không có khói thuốc lá.
2. Yêu cầu người hút thuốc lá không
hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
3. Vận động, tuyên truyền người khác
không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá.
4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy
định cấm hút thuốc lá.
5. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan,
người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định
cấm hút thuốc lá.
Điều 8. Hợp tác quốc tế trong phòng,
chống tác hại của thuốc lá
1. Mở rộng hợp tác quốc tế trong
phòng, chống tác hại của thuốc lá với các nước, tổ chức quốc tế trên cơ sở bình
đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, phù hợp với pháp luật mỗi nước, pháp
luật và thông lệ quốc tế.
2. Nội dung hợp tác quốc tế bao gồm:
a) Hợp tác trong phòng, chống thuốc
lá nhập lậu, thuốc lá giả;
b) Hợp tác trong việc cấm quảng cáo,
khuyến mại và tài trợ thuốc lá xuyên biên giới;
c) Hợp tác trong nghiên cứu khoa
học, đào tạo, hỗ trợ kinh phí và trao đổi thông tin liên quan đến phòng, chống
tác hại của thuốc lá.
Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Sản xuất, mua bán, nhập
khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức
hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng
trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.
2. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá;
tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
3. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh
doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.
4. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng,
mua, bán thuốc lá.
5. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi
mua, bán thuốc lá.
6. Bán, cung cấp thuốc lá cho người
chưa đủ 18 tuổi.
7. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc
lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
8. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên
báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.
9. Vận động, ép buộc người khác sử
dụng thuốc lá.
CHƯƠNG II
CÁC
BIỆN PHÁP GIẢM NHU CẦU SỬ DỤNG THUỐC LÁ
Điều 10. Thông tin, giáo dục, truyền
thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá
1. Thông tin, giáo dục,
truyền thông phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Cung cấp thông tin một cách
công khai, khoa học, chính xác, khách quan về thuốc lá và tác hại của thuốc lá;
b) Đa dạng hóa nội dung, hình thức
và kênh thông tin phù hợp với đối tượng được thông tin, giáo dục, truyền thông.
2. Thông tin, giáo dục,
truyền thông bao gồm các nội dung sau đây:
a) Chính sách, pháp luật về
phòng, chống tác hại của thuốc lá;
b) Tác hại của thuốc lá đối với
sức khoẻ của người sử dụng, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khác chịu ảnh
hưởng của khói thuốc lá, môi trường sống và kinh tế - xã hội;
c) Tác hại của việc sản
xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá giả
và mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá nhập lậu đối với
sức khỏe người sử dụng và kinh tế - xã hội;
d) Các biện pháp cai nghiện
thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và môi trường sống không có khói
thuốc lá;
đ) Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của
cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
3. Trách nhiệm trong
thông tin, giáo dục, truyền thông được quy định như sau:
a) Bộ Y tế có trách nhiệm tổ
chức, cung cấp thông tin khoa học về tác hại của thuốc lá; chủ trì, phối hợp
với các bộ, ngành có liên quan tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về
phòng, chống tác hại của thuốc lá;
b) Bộ Thông tin và Truyền thông
có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông thực hiện
hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá;
c) Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
có trách nhiệm tổ chức đưa thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của
thuốc lá và các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc lá vào trong các hoạt động văn
hóa, thể thao, du lịch và đời sống gia đình; quy định việc hạn chế sử dụng hình
ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân
khấu, truyền hình;
d) Bộ Công thương có trách
nhiệm tổ chức thông tin, tuyên truyền về phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc
lá giả;
đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách
nhiệm xây dựng nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá và lồng ghép vào
chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học;
e) Ủy ban nhân dân các cấp có trách
nhiệm tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của
thuốc lá tại địa phương;
g) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm thông tin, tuyên
truyền, vận động các thành viên trong tổ chức mình và toàn xã hội không sử dụng
thuốc lá, tích cực tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá;
h) Cơ quan, tổ chức khác trong phạm
vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thông tin, giáo dục,
truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá theo quy định của Luật này.
Điều 11. Địa điểm cấm hút thuốc lá
hoàn toàn
1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn
toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:
a) Cơ sở y tế;
b) Cơ sở giáo dục, trừ các cơ
sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui
chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ
cháy, nổ cao.
2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn
toàn trong nhà bao gồm:
a) Nơi làm việc;
b) Trường cao đẳng, đại học, học
viện;
c) Địa điểm công cộng, trừ các
trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật
này.
3. Phương tiện giao thông công cộng
bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.
Điều 12. Địa điểm cấm hút thuốc lá
trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá
1. Địa điểm cấm hút thuốc lá
trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao
gồm:
a) Khu vực cách ly của sân bay;
b) Quán bar, karaoke, vũ trường,
khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch;
c) Phương tiện giao thông công cộng
là tàu thủy, tàu hỏa.
2. Nơi dành riêng cho người hút
thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có phòng và hệ thống thông khí
tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;
b) Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn
thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát;
c) Có thiết bị phòng cháy, chữa
cháy.
3. Khuyến khích người đứng đầu địa
điểm quy định tại khoản 1 Điều này tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá
hoàn toàn trong nhà.
4. Chính phủ quy định chuyển địa
điểm tại khoản 1 Điều này thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà
phù hợp với từng thời kỳ.
Điều 13. Nghĩa vụ của người hút
thuốc lá
1. Không hút thuốc lá tại địa điểm
có quy định cấm hút thuốc lá.
2. Không hút thuốc lá trong nhà khi
có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi.
3. Giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu
thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút
thuốc lá.
Điều 14. Quyền và trách nhiệm của
người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá
1. Người đứng đầu, người quản lý địa
điểm cấm hút thuốc lá có các quyền sau đây:
a) Buộc người vi phạm chấm dứt việc
hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy
định của pháp luật;
b) Yêu cầu người vi phạm quy định cấm
hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình;
c) Từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp
dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi
phạm sau khi đã được nhắc nhở.
2. Người đứng đầu, người quản lý địa
điểm cấm hút thuốc lá có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quy định tại Điều 6 của
Luật này;
b) Tổ chức thực hiện, hướng dẫn,
kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa
điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm
hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.
Điều 15. Ghi nhãn, in cảnh báo sức
khỏe trên bao bì thuốc lá
1. Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu
để tiêu thụ tại Việt Nam phải ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc
lá.
2. Việc ghi nhãn đối với thuốc lá
được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải được thực hiện bằng
tiếng Việt, theo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá và bảo đảm các
yêu cầu sau đây:
a) In cảnh báo sức khỏe bằng chữ và
hình ảnh bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn, dễ hiểu;
b) Dán tem hoặc in mã số, mã vạch;
ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng;
c) Ghi rõ số lượng điếu đối với bao
thuốc lá dạng điếu hoặc trọng lượng đối với các loại thuốc lá khác;
d) Không được sử dụng từ,
cụm từ làm người đọc, người sử dụng hiểu thuốc lá là ít có hại hoặc hiểu sai về
tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khoẻ con người.
3. Nội dung cảnh báo sức khỏe trên
bao bì thuốc lá phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức
khỏe và thông điệp thích hợp khác, phải được thay đổi theo định kỳ 02 năm một
lần.
4. Cảnh báo sức khỏe quy định tại
điểm a khoản 2 Điều này phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính
trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá.
5. Việc ghi nhãn trên bao bì thuốc
lá xuất khẩu được thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
6. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối
hợp với Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể về ghi nhãn, in cảnh báo
sức khỏe đối với thuốc lá quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
7. Chính phủ quy định cụ thể mức
tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe phù hợp với từng thời kỳ.
Điều 16. Hoạt động tài trợ
Tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá
chỉ được tài trợ nhân đạo cho chương trình xóa đói, giảm nghèo;
phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; phòng, chống buôn lậu thuốc
lá và không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ
đó.
Điều 17. Cai nghiện thuốc lá
1. Việc cai nghiện thuốc lá được
thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tổ
chức các hoạt động hoặc thành lập các loại hình cơ sở để tư vấn, cai nghiện
thuốc lá.
3. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc
cai nghiện thuốc lá và cơ sở tư vấn, cai nghiện thuốc lá được hưởng mức thuế ưu
đãi theo quy định của pháp luật về thuế.
4. Chính phủ quy định điều kiện
thành lập và tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá quy định
tại khoản 2 Điều này.
Điều 18. Trách nhiệm trong hỗ trợ
cai nghiện thuốc lá
1. Bộ Y tế có trách nhiệm sau đây:
a) Hướng dẫn quy trình cai nghiện
thuốc lá;
b) Chỉ đạo việc cai nghiện thuốc lá
và nghiên cứu, tư vấn về cai nghiện thuốc lá;
c) Chỉ đạo việc tổ chức tập huấn cho
các nhân viên y tế, nhân viên tư vấn cai nghiện thuốc lá về hoạt động tư vấn,
phương pháp cai nghiện thuốc lá.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách
nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cai nghiện và tư vấn cai nghiện
thuốc lá.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có
trách nhiệm vận động người sử dụng thuốc lá trong cơ quan, tổ chức và gia đình
tự nguyện cai nghiện thuốc lá.
CHƯƠNG III
CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT NGUỒN CUNG CẤP THUỐC LÁ
Điều 19. Quản lý kinh doanh thuốc lá
1. Kinh doanh thuốc lá là ngành,
nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân mua bán, chế biến, nhập
khẩu nguyên liệu thuốc lá; sản xuất, mua bán, nhập khẩu thuốc lá phải có giấy
phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định
giá bán tối thiểu đối với thuốc lá điếu tiêu thụ tại Việt Nam.
3. Chính phủ quy định cụ thể việc
cấp giấy phép mua bán, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá; sản xuất, mua
bán, nhập khẩu thuốc lá quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 20. Quy hoạch kinh doanh thuốc
lá
1. Quy hoạch kinh doanh thuốc lá
phải phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chính sách, pháp luật về
phòng, chống tác hại của thuốc lá để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá,
phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và có giải pháp để từng bước
chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, công nhân sản xuất thuốc
lá.
2. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp
với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy
hoạch kinh doanh thuốc lá của cả nước, bao gồm quy hoạch vùng nguyên liệu thuốc
lá, quy hoạch sản xuất thuốc lá, quy hoạch mạng lưới mua bán thuốc lá.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu
thuốc lá, quy hoạch mạng lưới mua bán thuốc lá của địa phương phù hợp với quy
hoạch kinh doanh thuốc lá quy định tại Điều này.
Điều 21. Kiểm soát đầu tư sản xuất
thuốc lá
1. Việc đầu tư trồng cây thuốc lá,
chế biến nguyên liệu và sản xuất thuốc lá phải phù hợp với quy hoạch đã được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Việc đầu tư xây dựng mới, đầu tư
mở rộng quy mô, nâng cao công suất của cơ sở sản xuất thuốc lá để tiêu thụ
trong nước không được vượt quá tổng sản lượng được phép sản xuất của toàn ngành
thuốc lá trước ngày Luật này có hiệu lực.
3. Dự án có vốn đầu tư nước ngoài
sản xuất thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Liên doanh, hợp tác với doanh
nghiệp đã có giấy phép sản xuất thuốc lá;
b) Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối
trong vốn điều lệ của doanh nghiệp;
c) Đáp ứng các điều kiện sản xuất
thuốc lá theo quy định của Chính phủ.
4. Hợp đồng nhượng quyền sở hữu công
nghiệp sản xuất thuốc lá chỉ được thực hiện tại doanh nghiệp đã có giấy phép
sản xuất thuốc lá sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bằng văn bản.
5. Hợp đồng sản xuất thuốc lá xuất
khẩu, gia công thuốc lá xuất khẩu không tính vào sản lượng thuốc lá được phép
sản xuất tiêu thụ trong nước và chỉ được thực hiện tại doanh nghiệp đã có giấy
phép sản xuất thuốc lá sau khi được Bộ trưởng Bộ Công thương đồng ý bằng văn
bản.
6. Việc đầu tư sản xuất, gia công
thuốc lá để xuất khẩu vượt quá sản lượng được phép sản xuất của cơ sở phải được
Bộ trưởng Bộ Công thương đồng ý bằng văn bản.
Điều 22. Kiểm soát sản lượng thuốc
lá tiêu thụ trong nước
1. Kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu
thụ trong nước bao gồm các biện pháp sau đây:
a) Quản lý sản lượng thuốc lá được
phép sản xuất và nhập khẩu;
b) Dán tem hoặc in mã số, mã vạch
trên bao bì thuốc lá;
c) Quản lý năng lực máy, thiết bị
chuyên ngành thuốc lá;
d) Quản lý nguyên liệu thuốc lá và
giấy cuốn điếu thuốc lá;
đ) Quản lý nguồn gốc, sự di chuyển
và tính hợp pháp của thuốc lá.
2. Bộ trưởng Bộ Công thương công bố
công khai sản lượng được phép sản xuất và nhập khẩu thuốc lá để tiêu thụ trong
nước của từng doanh nghiệp phù hợp với năng lực sản xuất và nhu cầu của thị
trường.
3. Chính phủ quy định cụ thể biện
pháp quản lý máy, thiết bị chuyên ngành thuốc lá, nguyên liệu và giấy cuốn điếu
thuốc lá.
Điều 23. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về thuốc lá
1. Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu
để tiêu thụ tại Việt Nam phải bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
thuốc lá và tiêu chuẩn cơ sở về thuốc lá mà nhà sản xuất đã công bố.
2. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc
lá phải tuân thủ các yêu cầu sau đây:
a) Công bố tiêu chuẩn cơ sở về thuốc
lá;
b) Bảo đảm thuốc lá do cơ sở sản
xuất, nhập khẩu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá và tiêu
chuẩn cơ sở về thuốc lá mà nhà sản xuất đã công bố;
c) Thường xuyên kiểm tra và chịu
trách nhiệm về sự phù hợp của thuốc lá do cơ sở sản xuất, nhập khẩu với quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở đã công bố.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu.
Điều 24. Số lượng điếu thuốc lá
trong bao, gói
Sau 03 năm, kể từ ngày Luật này có
hiệu lực, số lượng điếu thuốc lá đóng gói trong 01 bao thuốc lá không được ít
hơn 20 điếu, trừ thuốc lá xì gà và thuốc lá được sản xuất để xuất khẩu.
Điều 25. Bán thuốc lá
1. Việc bán thuốc lá phải đáp ứng
các yêu cầu sau đây:
a) Doanh nghiệp, đại lý bán buôn,
đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính
phủ;
b) Người chịu trách nhiệm tại điểm
bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không
bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá
không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc
lá.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không
được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm quy định tại Điều 11,
Điều 12, trừ điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này; không được bán thuốc lá phía
ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ
thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế
dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét (m) tính từ ranh
giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.
Điều 26. Các biện pháp phòng, chống
thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả
1. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao
nhận thức để người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc
lá nhập lậu, thuốc lá giả.
2. Tổ chức và bảo đảm đủ nhân lực,
kinh phí, phương tiện cho lực lượng phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá
giả.
3. Định kỳ, thường xuyên tổ chức
thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá
giả.
4. Tịch thu, tiêu hủy thuốc lá giả;
tịch thu, tiêu hủy các loại máy, thiết bị dùng để sản xuất thuốc lá giả. Việc
tiêu hủy phải sử dụng các biện pháp bảo đảm an toàn đối với môi trường. Kinh
phí tiêu hủy do cá nhân, tổ chức vi phạm chịu trách nhiệm chi trả. Trường hợp
không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm thì kinh phí tiêu hủy do ngân sách
nhà nước chi trả.
5. Việc xử lý đối với thuốc lá nhập
lậu được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
6. Khuyến khích về vật chất và tinh
thần cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã phát hiện và tố giác, tố cáo
các hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.
7. Phối hợp ở cấp tỉnh, cấp quốc gia
với các nước có chung đường biên giới và các nước có liên quan trong phòng,
chống kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.
Điều 27. Trách nhiệm phòng, chống
thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả
1. Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ
trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng
Bộ Y tế trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức công
tác phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách
nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương tổ chức, chỉ
đạo, bố trí lực lượng và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan liên quan
thực hiện công tác phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bảo đảm
kinh phí cho công tác phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.
CHƯƠNG IV
CÁC
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM ĐỂ
PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ
Điều 28. Thành lập Quỹ phòng, chống
tác hại của thuốc lá
1. Quỹ phòng, chống tác hại của
thuốc lá (sau đây gọi chung là Quỹ) là quỹ quốc gia, trực thuộc Bộ Y tế và chịu
sự quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính. Quỹ là tổ chức tài chính nhà
nước có tư cách pháp nhân, có con dấu và có tài khoản riêng.
2. Quỹ được quản lý bởi Hội
đồng quản lý liên ngành. Hội đồng quản lý liên ngành gồm có Chủ tịch, Phó Chủ
tịch và các ủy viên. Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch
là lãnh đạo Bộ Tài chính, các ủy viên là đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ
Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông và đại diện các cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan khác.
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định
thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.
4. Định kỳ 02 năm một lần, Chính phủ
báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động và việc quản lý sử dụng Quỹ.
Điều 29. Mục đích và nhiệm vụ của
Quỹ
1. Quỹ hoạt động không vì mục đích
lợi nhuận, có chức năng huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính của
Quỹ cho các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trên phạm vi toàn quốc.
2. Quỹ có nhiệm vụ hỗ trợ các
hoạt động sau đây:
a) Truyền thông về tác hại của thuốc
lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng;
b) Xây dựng, triển khai các mô hình
điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá; phát
triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả;
c) Tổ chức các chiến dịch, sáng kiến
về phòng, chống tác hại của thuốc lá dựa vào cộng đồng; tư vấn việc tổ chức nơi
dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng;
d) Tổ chức cai nghiện thuốc lá;
đ) Xây dựng, triển khai các mô hình
điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng và phát triển, nhân rộng các mô
hình có hiệu quả;
e) Nghiên cứu đưa ra những bằng
chứng phục vụ cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá;
g) Xây dựng, hỗ trợ hoạt động, bồi
dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng, chống
tác hại của thuốc lá;
h) Xây dựng nội dung và tổ chức đưa
giáo dục về tác hại và phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giáo
dục phù hợp với các cấp học;
i) Thực hiện các giải pháp chuyển
đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá,
sản xuất thuốc lá.
Điều 30. Nguồn hình thành và nguyên
tắc sử dụng Quỹ
1. Quỹ được hình thành từ các nguồn
sau đây:
a) Khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở
sản xuất, nhập khẩu thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính
thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 1,0% từ ngày
01 tháng 5 năm 2013; 1,5% từ ngày
01 tháng 5 năm 2016; 2,0% từ ngày
01 tháng 5 năm 2019. Khoản đóng góp bắt buộc được khai, nộp
cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tự khai,
tự tính, tự nộp vào tài khoản của Quỹ;
b) Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện
của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước;
c) Nguồn thu hợp pháp khác.
2. Quỹ được sử dụng theo các nguyên
tắc sau đây:
a) Quỹ chỉ được sử dụng cho các
nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này và điểm e khoản này;
b) Nội dung chi của Quỹ căn cứ vào
kế hoạch hoạt động hằng năm, chương trình, chiến lược ngắn hạn, dài hạn, mục
tiêu ưu tiên trong từng giai đoạn đã được Hội đồng quản lý liên ngành phê
duyệt;
c) Quỹ được thực hiện kiểm toán hằng
năm theo quy định của pháp luật;
d) Công khai, minh bạch;
đ) Bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn
tài chính của Quỹ;
e) Chi phí quản lý hành chính theo
quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 31. Xử lý vi phạm pháp luật về
phòng, chống tác hại của thuốc lá
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành
vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thì tùy theo tính
chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây
thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có
thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Việc xử lý vi phạm hành chính
trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá được thực hiện theo quy định
của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Điều 32. Trách nhiệm xử lý vi phạm
pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá
1. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm
hành chính có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý hành vi vi phạm
pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; nếu dung túng, bao che, không
xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng quy định thì tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức
việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy
định cấm và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá
thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
3. Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức
việc xử lý vi phạm đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá
và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc lĩnh
vực được phân công phụ trách.
4. Bộ Công thương có trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức việc xử lý vi phạm hành chính
đối với hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thuộc lĩnh vực được
phân công phụ trách.
5. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức việc xử lý vi phạm đối với
hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thuộc khu vực biên giới và
lĩnh vực được phân công phụ trách.
6. Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách
nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức việc xử lý vi phạm
hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc lĩnh vực được phân công
phụ trách.
7. Ủy ban nhân dân các cấp có trách
nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để tổ chức, chỉ đạo,
bố trí lực lượng và phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có
liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định
về hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm, kinh doanh thuốc lá nhập lậu,
thuốc lá giả. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chủ trì, tổ chức
việc xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm công cộng có quy định
cấm thuộc địa bàn quản lý.
8. Cơ quan, người có thẩm quyền
thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc
lá quy định tại các khoản 2, 4, 6 và 7 Điều này, nếu phát hiện vi phạm có dấu
hiệu tội phạm thì phải chuyển cơ quan tiến hành tố tụng để truy cứu trách nhiệm
hình sự theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 33. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ
ngày 01 tháng 5 năm 2013.
Điều 34. Điều khoản chuyển tiếp
Bao, tút, hộp thuốc lá được sản
xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam theo quy định tương ứng của
pháp luật về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trước ngày Luật này có hiệu lực sẽ
không được sử dụng sau 06 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Điều 35. Quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết, hướng
dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.
______________________________________________________________________________________________
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6
năm 2012.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
(Đã ký)
Nguyễn Sinh Hùng
|