Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng

Thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet và các trang mạng xã hội của bọn tội phạm thời gian qua có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng

 

Thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet và các trang mạng xã hội của bọn tội phạm thời gian qua có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng, phát nhiều vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng với các phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Bọn tội phạm thường lợi dụng lòng tốt, "nhẹ dạ, cả tin" của một số người, hoặc chúng sử dụng công nghệ cao, sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản của người dùng trên các trang mạng, tài khoản ngân hàng, tín dụng… để lừa đảo, chiếm đoạt. Để làm rõ được những vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng thường mất nhiều thời gian của cơ quan điều tra và sau khi phá án cũng rất khó thu hồi được tài sản đã bị chiếm đoạt. 

Cơ quan công an đã cảnh báo một số thủ đoạn hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, cụ thể như sau: Các đối tượng lừa đảo giả danh các nhà mạng gọi điện thoại thông báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn và để nhận được tài sản đó bạn phải mất phí. Nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp. Lợi dụng lòng tin của người dân, khi người dân đóng tiền vào để nhận thưởng thì các đối tượng lừa đảo chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó. 

Có vụ án đối tượng hack Facebook rồi chiếm quyền điều khiển, giả mạo tài khoản mạng xã hội của nạn nhân, sau đó nhắn tin hỏi vay, mượn tiền, rủ góp vốn làm ăn… của những người thân, bạn bè có trong danh sách của nạn nhân. Có đối tượng còn giả danh là cán bộ ngân hàng gọi điện thoại cho bị hại thông báo là có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền INTERNET BANKING của khách hàng bị lỗi… nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. 

Sau đó, các đối tượng sử dụng thông tin mà bị hại vừa cung cấp để truy cập vào tài khoản để rút hoặc chuyển tiền của bị hại sang tài khoản khác rồi chúng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó. Có các vụ án đối tượng giả danh là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhắn tin, gọi điện thoại đến số điện thoại của nạn nhân hoặc gửi các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam…vào các trang Facebook, Zalo… cá nhân của chính nạn nhân, trong đó thể hiện nạn nhân liên quan đến vụ án, hoặc là người thân, bạn bè vi phạm pháp luật. 

Để chứng minh nạn nhân không liên quan đến vụ án thì phải chuyển tiền từ tài khoản của mình đến tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp để "phục vụ công tác điều tra, xử lý". Khi người dân tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản mà chúng yêu cầu, sau đó các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó. Một thủ đoạn cũng có không ít người mắc là bọn tội phạm giả danh người nước ngoài, nhắn tin làm quen, thể hiện tình cảm và gửi quà tặng về Việt Nam. 

Sau đó ít lâu, bị hại sẽ nhận được điện thoại từ các "nhân viên" sân bay hoặc "nhân viên" thuế, hải quan… thông báo có hàng hóa gửi cho bạn nhưng trong đó có nhiều tiền, quá trọng lượng hoặc có các loại hàng hóa đặc biệt… mà người nhận phải nộp thuế, phí hoặc nộp phạt…yêu cầu người nhận phải chuyển tiền vào số tài khoản mà các đối tượng cung cấp. Khi chuyển tiền xong thì quà tặng không có mà tiền cũng bị mất và không thể đòi ai được vì chúng đã cắt, chặn liên lạc. 

Các đối tượng lừa đảo còn tạo các tài khoản ảo như Zalo,. Facebook… để đăng, bán vật liệu xây dựng, các dụng cụ y tế chống dịch, xe ô tô, xe mô tô… với giá rẻ, sau đó yêu cầu những người muốn mua đặt cọc hoặc thanh toán đầy đủ số tiền trước khi nhận hàng. Và khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo liền "lặn mất tăm", không thể liên lạc được. 

Có đối tượng còn lợi dụng khó khăn do dịch COVID-19, mở dịch vụ bán, chuyển hàng trên mạng với phương thức rất dễ "kiếm tiền" khiến nhiều người bị dính bẫy. Ban đầu, khi vào làm dịch vụ, bạn phải đóng cọc khoảng 5 triệu đồng, sau đó bạn sẽ nhận hàng, bán và được chia lợi nhuận sòng phẳng. Tiếp đó, bạn liên tục nhận được đơn đặt hàng với nhiều loại hàng hóa khác nhau. 

Bạn liên hệ với người quản lý mình và được trả lời có hàng đó, nhưng số tiền phải đặt cọc cao hơn, khoảng 30 triệu. Rồi mọi hoạt động bán hàng, thu tiền, hưởng lợi nhuận diễn ra rất suôn sẻ. Khi đã thu được tầm 25 triệu cả gốc và lãi, bạn lại nhận được yêu cầu một loại hàng mới. Hỏi người quản lý, nói để có hàng đó bán, bạn phải nộp cọc số tiền cao hơn nhiều. Thấy làm ăn "ngon lành", người đó liền dốc hết vốn liếng và vay mượn thêm để nộp cọc. Thế nhưng, nộp xong, không thấy hàng đâu. Hỏi người quản lý thì không thể liên lạc được nữa. Số điện thoại cũng như các tài khoản Facebook, Zalo cũng không thể tìm được…. 

Có đối tượng thông qua các trang mạng xã hội tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng rồi sau đó đưa ra các mức vay lãi thấp, thủ tục nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp, chỉ cần chụp sổ hộ khẩu và căn cước công dân là đủ điều kiện vay. Khi người dân đồng ý vay với một số tiền cụ thể, các đối tượng đưa ra nhiều lý do như: phải nộp tiền để làm thủ tục giải ngân và khi giải ngân xong sẽ trả lại đủ số tiền vay và số tiền đã nộp. Người dân muốn vay chuyển tiền vào tài khoản chúng yêu cầu thì sau đó không thể liên lạc được với các đối tượng đó nữa… 

Bên cạnh đó, trên mạng còn có các loại tội phạm như: thành lập sàn giao dịch tài chính, tiền ảo, tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng…. Có rất nhiều các phương thức, thủ đoạn nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, do vậy đòi hỏi mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, đừng biến mình thành nạn nhân của bọn tội phạm. 

Trước hết là không tin và không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ. Khi gặp những tình huống cụ thể, cần bình tĩnh, chủ động kéo dài thời gian với các đối tượng để tham khảo ý kiến của người nhà, người thân, hoặc báo cho cơ quan Công an hỗ trợ giải quyết. Tuyệt đối không cung cấp thông tin về bản thân, gia đình và nhất là thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP cho người khác. 

Trong lúc này, có lẽ mọi người lúc nào cũng cần phải thuộc lòng hai từ: cảnh giác. Cảnh giác với những số điện thoại lạ; cảnh giác trước những lời đe dọa hoặc lời mời gọi hấp dẫn; cảnh giác với những giải thưởng bỗng nhiên mình trúng và cảnh giác trước những món hàng, khoản tiền… tự nhiên mình được hưởng qua các trang mạng xã hội… vì rất có thể đằng sau những "miếng mồi ngon bao giờ cũng có cạm, bẫy nguy hiểm" mà bọn tội phạm lừa đảo đang giăng ra. 

Theo baoninhbinh.org.vn

 

  • Từ khóa :
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập